Breath.vn

Liệu thiền định thực sự có tác dụng?

Vào tháng 9 năm 2002, một nhà sư Tibet có tên Mingyur Rinpoche lên đường đến khoa thần kinh học thuộc Đại hoc Wisconsin, Mỹ. Mingyur là một trong 21 thiền sư hàng đầu đến từ Nepal, Ấn Độ và Pháp được mời để tham gia vào một nghiên cứu mang tính đột phá về tác động của thiền định lên não bộ con người.

Tại đây các nhà khoa học dùng một thiết bị đặc biệt để gắn 256 dây đo cảm biến lên da đầu nhà sư nhằm đo sóng não của ông trong quá trình thiền định. Sóng não là các xung điện sinh ra do sự tương tác của một khối lượng lớn các tế bào thần kinh và thường chỉ bằng vài phần triệu Vôn.

Thiền sư Mingyur được yêu cầu thiền định cảm thông (compassion meditation) trong vòng 1 phút, nghỉ 30 giây, và lặp lại điều này 4 lần.

 

Trước đó, các nhà khoa học đều cho rằng con người cần có thời gian để đưa tâm trí vào trạng thái ‘thiền định’ (meditative state). Tuy nhiên, ngay khi thiền sư Mingyur bắt đầu thiền, một luồng điện não cực lớn “bùng nổ” trên màn hình. Mặc dù hiện tượng bùng nổ điện não không phải là hiếm, nhưng từ trước đến nay, khoa học vẫn tin rằng, đây là hiện tượng tự phát và không thể bị điều khiển bởi ý trí con người. Sự bùng nổ này kéo dài trong suốt thời gian thiền định của nhà sư và tiếp tục trong suốt ba lần tiếp theo.

Tuy nhiên, điều làm các nhà nghiên cứu kinh ngạc hơn nữa là ở sự tồn tại của sóng não Gamma trong não của thiền sư Mingyur. Sóng não Gamma, có tần số 40-100Hz, là loại sóng nhanh nhất và mạnh nhất trong các loại sóng não. Loại sóng này được sinh ra khi chúng ta đạt tới đỉnh điểm của sự tập trung, tư duy phân tích và giải quyết những vấn đề vô cùng phức tạp. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng sóng não Gamma giúp tăng cường trí nhớ, sự tập trung, khả năng nhận thức, đồng thời thúc đẩy tâm trạng tích cực. Vì vậy, người có hàm lượng Gamma cao thường có khả năng học tập tốt hơn, trí nhớ tốt hơn và hạnh phúc hơn.

Đối với người bình thường, loại sóng não này chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn (khoảng nửa giây). Nhưng đối với thiền sư Tibet, sóng não Gamma tồn tại trong suốt quá trình thiền định và cả những lần nghiên cứu tiếp theo.

Khi các nhà nghiên cứu đo điện não trên người bình thường, dữ liệu thu được sẽ phải qua máy tính xử lý. Và thường phải mất rất nhiều ngày để có kết quả phân tích do các tín hiệu này thường rất yếu và hay bị lẫn giữa các sóng gây nhiễu khác. Tuy nhiên, khi nghiên cứu não bộ của thiền sư Mingyur, tín hiệu rõ rệt đến mức họ có thể quan sát bằng mắt thường, không cần thông qua xử lý của máy tính. Các nhà nghiên cứu quá ngạc nhiên đến nỗi ban đầu họ nghĩ kết quả đo bị sai, vì khoa học chưa từng chứng kiến hiện tượng này trước đây. Họ quyết định tháo rời tất cả máy móc ra và lắp đặt lại toàn bộ trước tiến hành đo đạc lần hai. Cuối cùng các chuyên gia nghiên cứu đã phải tin rằng đây là sự thật. Trước đây, khoa học chưa từng tìm thấy sóng Gamma trên não bộ con người trong một khoảng thời gian dài như vậy. Và kết quả tương tự cũng được tìm thấy trên phân tích sóng não của 20 thiền sư khác trong nghiên cứu.

Khi các thiền sư bắt đầu thiền định, lượng sóng não Gamma của họ tăng lên 700-800% chỉ trong vòng vài giây. Đối với người bình thường, biên độ của sóng Gamma cũng rất thấp, tuy nhiên, đối với thiền sư, biên độ đo được là rất rộng và được đồng bộ hoá. Chính điều này đã giải thích vì sao các nhà khoa học có thể phân tích dữ liệu bằng mắt thường không cần qua xử lý bằng máy tính.

Hơn nữa, không chỉ khi thiền định mà trong hoạt động hàng ngày, số liệu vẫn chỉ ra lượng sóng não Gamma cao khi đo đạc hoạt động thần kinh của 21 thiền sư. Thậm chí sóng não Gamma còn tồn tại ngay khi các thiền sư đang ngủ. Nếu sóng não Gamma thực sự có liên hệ với khả năng nhận thức và tâm trạng tích cực thì dường như các thiền sư là những người sáng suốt và hạnh phúc hơn người bình thường.

Nghiên cứu trên đã chỉ ra những biến đổi vĩnh viễn mà nhiều thập kỷ thiền định đã để lại trên bộ não con người. Câu hỏi đặt ra là liệu có cần đến nhiều năm rèn luyện để có thể thu được những tác dụng của thiền?

Một nghiên cứu khác cũng của đại học Wisconsin đã được thực hiện trên 25 người bình thường người chỉ mới tập thiền trong vòng 2 tuần, mỗi ngày 30 phút, và một nhóm 16 người trong danh sách chờ đợi (được dùng để so sánh). Đồng thời sau 2 tuần, cả hai nhóm được tiêm vaccin cúm. Trước hết, các nhà khoa học đo đạc hoạt động não bộ của cả hai nhóm người trước và sau 2 tuần luyện tập. Kết quả đã cho thấy một sự kích hoạt mạnh mẽ của thuỳ não trái trước – vùng não bộ có liên quan đến cảm xúc tích cực ở những người tập thiền so với nhóm người không tập thiền. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy những người thiền định có nồng độ kháng thể đối với vaccin cúm cao hơn nhiều so với những người trong nhóm chờ đợi. Đây là những bằng chứng khoa học cho thấy thiền định dù chỉ một thời gian ngắn cũng tạo ra những tác động tích cực lên não bộ và hệ miễn dịch con người. Các nhà khoa học tin rằng rằng não bộ con người có tính đàn hồi rất cao và chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi  bộ não mà không cần đến nhiều năm luyện tập. Tất cả những gì bạn cần làm là 30 phút thiền tập mỗi ngày, kiên trì và đều đặn. Thời gian bạn dành để thiền không phải là thời gian chết mà là một khoản đầu tư để có một cơ thể và một bộ não khoẻ mạnh hơn – điều kiện tiên quyết cho một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Chia sẻ bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on facebook

Liên quan

Shopping Cart