Breath.vn

Cái giá của hạnh phúc

2500 năm trước, khi suy ngẫm về bản chất của tâm trí, đức Phật đã nhận ra rằng, hạnh phúc hay khổ đau không phải được quyết định bởi hoàn cảnh xung quanh mà chính ở cách chúng ta đặt sự chú tâm hay attention của mình.

Sự khác nhau về cách chúng ta chú tâm vào mặt tốt hay xấu của một sự việc quyết định việc chúng ta cảm thấy vui vẻ, lạc quan hay tồi tệ, bi quan. Thói quen tập trung vào những điểm tốt hay điểm chung giữa chúng ta với người khác, thay vì điểm xấu, điểm khác biệt của họ quyết định mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh. Cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình, chú ý đến những mặt tích cực hay tiêu cực, quyết định lòng tự tôn và sự hạnh phúc.

Sự chú tâm là điểm căn bản khiến con người chúng ta khác nhau. Thế nhưng hãy nhìn xem chúng ta đang làm gì với sự chú tâm của mình?

Chúng ta thường nghĩ rằng mình có thể xử lý tốt nhiều thứ cùng lúc. Chúng ta vừa ăn vừa lướt mạng xã hội, vừa nấu cơm vừa xem Youtube, vừa đi chợ vừa gọi điện cho người thân. Sự phát triển của công nghệ cho phép chúng ta có thể làm nhiều việc, và ở nhiều nơi cùng một lúc. Sự chú tâm của chúng ta cũng vì thế mà bị cắt vụn.

Bạn có nhớ câu chuyện Quan Vân Trường ngồi đánh cờ để Hoa Đà cạo xương không? Chuyện kể rằng trong một trận chiến, Quan Vân Trường bị một mũi tên độc bắn trúng cánh tay phải. Thầy thuốc nổi tiếng nhất thời đó là Hoa Đà đã rạch một vết mổ ở cánh tay của ông và nạo độc ra khỏi cơ và xương.

Thời bấy giờ, kỹ thuật gây tê chắc chắn chưa phát triển như thời đại chúng ta. Và không cần nói thì ai cũng có thể tượng ra việc để người khác rạch tay mình ra mà không có thuốc tê thì sẽ đau đớn khủng khiếp như thế nào, chứ đừng nói là ngồi im chờ người ta cạo vào tận xương tủy. Câu chuyện muốn nêu lên sự anh hùng kiệt xuất của Quan Vân Trường khi có thể vừa ngồi đánh cờ vừa để Hoa Đà cạo xương. Thế nhưng, thực tế là Quan Vũ đã phải dùng việc đánh cờ để phân tán sự chú ý của mình vào cánh tay, giúp giảm bớt đi nỗi đau thể xác.

Các bạn thấy không, đến một sự đau đớn tột cùng như vậy mà nếu không chú tâm, Quan Vũ cũng không thể nào cảm nhận trọn vẹn được? Vậy thì liệu chúng ta có thể tận hưởng được trọn vẹn niềm vui và sự ngọt ngào của những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống nếu không có sự chú tâm?

Khi đi du lịch, thay vì ngắm nhìn cảnh đẹp bằng chính đôi mắt của mình, thì chúng ta chỉ lo chụp ảnh post lên mạng. Khi được ăn một món ăn ngon, thay vì tập trung toàn bộ các giác quan để cảm nhận món ăn thì chúng ta lại mải nghịch điện thoại, đọc tin tức, hay nói chuyện.

Trên thực tế, khả năng xử lý thông tin của con người là có giới hạn. Có thể bạn không nhận ra nhưng ở mỗi một thời điểm, chúng ta liên tục tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ. Ngay nơi bạn đang ngồi đây, bạn có thể nhận được thông tin đến từ thị giác (như màu sắc, hình dáng, chuyển động), thính giác (âm thanh), xúc giác (cảm giác của quần áo tiếp xúc với da). Đó có thể là những thông tin đến từ chính tâm trí của bạn (cảm xúc hay suy nghĩ).

Lượng thông tin khổng lồ này vượt qua khả năng xử lý của não bộ. Vì vậy não bộ của chúng ta đã sinh ra một cơ chế gọi là sự chú tâm có chọn lọc (selective attention). Sự chú tâm có chọn lọc hoạt động giống như một người gác cổng, chỉ cho phép một số thông tin nhất định lọt vào tầm nhận thức của bạn để não bộ xử lý và phân tích trong những bước tiếp theo. Người gác cổng này đảm bảo sao cho não bộ chỉ nhận vừa đủ thông tin trong khả năng xử lý có hạn của nó.

Vì vậy hãy nhớ rằng, tại mỗi thời điểm, mọi trải nghiệm của chúng ta đều là sự đánh đổi.

Cũng giống như khi bạn tiêu tiền. Nếu lương tháng của bạn là cố định, và bạn quyết định chi tiêu cho quần áo, giày dép đắt tiền, thì bạn sẽ không còn tiền để giành cho những thứ khác như tiết kiệm, mua nhà, hay đầu tư. Tại mỗi thời điểm nếu chúng ta giành sự chú tâm cho cái này, thì chúng ta sẽ phải hy sinh những thứ khác. Tất cả đều có chi phí cơ hội.

Bạn biết rằng dùng điện thoại khi lái xe là không an toàn. Nếu bạn đã dùng một phần lớn trí lực để xử lý thông tin trong cuộc gọi, thì phần còn lại chắc chắn sẽ không đủ để kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ trên đường.

Khi đi du lịch, nếu bạn giành một phần không nhỏ sự tập trung vào việc chụp ảnh, xem ảnh đẹp hay xấu, mình vào hình đã đẹp chưa, có cần chụp lại không, thì cái mà bạn đang đánh đổi là những trải nghiệm không phải lúc nào cũng có. Đó có thể là mùi thơm thoang thoảng đến từ một quán cà phê ven đường. Những gương mặt xa lạ và nụ cười của người bản xứ. Những căn nhà lợp ngói sơn đủ màu mà chưa bao giờ bạn nhìn thấy. Bạn có thể đang đứng trên 1 cây cầu rất đẹp để chụp ảnh, nhưng có khi bạn chẳng để ý đến kết cấu, hình dạng của cây cầu, hay chạm tay vào viên đá nhỏ gắn trên thành cầu. Mỗi một chi tiết nhỏ đều là những thứ bạn không thể có khi quay trở về nhà. Và bạn phải trả rất nhiều tiền để có được những trải nghiệm đó.

Đã bao lâu rồi bạn ngồi ăn một bát phở. Và chỉ ăn phở mà thôi. Không vẩn vơ nghĩ về công việc, cuộc sống. Không đánh đổi những trải nghiệm trước mắt với những hình ảnh, suy nghĩ diễn ra trong đầu. Cái mà bạn bỏ qua là hương thơm ngào ngạt bốc lên từ món ăn, là cái cảm giác sờ tay vào bát phở nóng ấm trong tiết trời lạnh giá, là màu xanh của những cọng hành lá, màu đỏ tái của thịt bò, màu trắng của từng sợi phở, và màu trong trong có chút ánh mỡ của nước dùng.

Và bạn trả tiền để có được tất cả những trải nghiệm này, chứ không chỉ đơn thuần là một thứ chỉ để nhai, để nuốt cho no bụng. Và để trải nghiệm trọn vẹn đầy đủ kết cấu, màu sắc, hương vị, cảm giác của cái được gọi là cuộc sống đòi hỏi bạn phải đắm mình vào mỗi việc mình đang làm, chứ không phải là làm mọi thứ với một sự chú tâm nửa vời.

Thực ra cũng đâu phải đợi đến lúc được ăn những món ngon, hay đi du lịch. Một trong những điều quan trọng nhất mà mình học được từ triết lý của nhà Phật đó là những khoảnh khắc đời thường, giản dị cũng có thể trở thành những giây phút tuyệt vời, chỉ cần chúng ta đặt hết tâm trí của mình vào đó.

Chade Meng Tan, người kỹ sư đứng đằng sau chương trình dạy thiền nổi tiếng Search Inside Yourself của Google đã viết như thế này trong quyển sách cùng tên.

Hồi nhỏ có một lần bố dẫn chúng tôi đi ăn ở một nhà hàng Trung hoa sang trọng và ông đã gọi những món ăn ngon nhất của quán. Trong suốt bữa ăn, tôi thấy mình dồn hết cả tâm trí vào đó, một phần vì món ăn quá ngon đi, phần khác bởi vì bữa ăn quá đắt, và phần nữa là vì đó là một trải nghiệm vô cùng hiếm có. Không phải ngày nào chúng tôi cũng vung tiền vào thức ăn như vậy. Vì thế, tôi thấy mình hoàn toàn hiện thức trong suốt bữa ăn. Sau này, bỗng có lần tôi chợt nghĩ, tại sao tôi chỉ giành toàn bộ tâm trí của mình khi ăn những bữa ăn đắt tiền? Tại sao tôi lại không giả vờ rằng, mỗi bữa ăn của tôi đều đắt và hiếm có, và giành cho nó tất cả sự chú tâm mà tôi có thể. Tôi gọi đó là Trải nghiệm thức ăn đắt tiền. Và tôi đã thực hành điều này hầu như mọi bữa ăn, trong khi mọi bữa ăn của tôi ở Google đều miễn phí.

Chúng ta đâu phải trả tiền để được chơi với con, để được nói chuyện với bố mẹ, để được đi dạo dưới ánh nắng mặt trời, được nhìn ánh mắt trong veo của một em bé trong công viên, được ngửi mùi hoa dại ven đường. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là những giây phút đó không quý giá.

Rồi cũng sẽ có ngày bố mẹ không còn trên đời nữa, sẽ đến lúc con cái chúng ta lớn khôn, rồi chúng ta sẽ không còn đủ sức khỏe để đi dạo trên chính đôi chân của mình, sẽ đến lúc chúng ta không còn đủ tỉnh táo để phân biệt ngày đêm, để được ra ngoài hít thở mùi hoa dại.

Có điều gì đó mình học được từ cuộc sống, từ thiền định, thì đó chính là sự trân quý với những gì hết sức bình thường. Những trải nghiệm hàng ngày tưởng chừng đơn giản, như đi bộ dưới hàng cây, mình đều dồn hết sự chú tâm vào đó, vì mình biết một ngày nào đó mình sẽ không còn sức khỏe để đi bộ dưới ánh nắng mặt trời. Mình nghĩ, lúc đó, chắc hẳn nằm bẹp trên giường, mình sẽ nhớ những giây phút này lắm.

Và thế là lần đầu tiên trong đời, mình ngẩng mặt lên nhìn tán cây vĩ đại, để kinh ngạc nhận ra sao mà nó đẹp đến lạ lùng. Và nó vẫn ở đây, bao năm vẫn thế. Và hàng ngày mình vẫn đi qua gốc cây ấy. Chỉ có điều mình lúc nào cũng vội vã, và chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để ngước lên ngắm nhìn nó dù chỉ một lần. Mình đã nhìn ngắm nó từ đằng xa, từ nhiều phía. Thấy màu sắc ấy thay đổi từ đông sang hè. Nhưng chưa bao giờ mình dừng lại và ngước mắt lên nhìn. Để thấy một màu xanh, một màu xanh mình chưa bao giờ nhìn thấy. Cái màu xanh làm lòng mình bỗng trở nên thư thái. Có một cảm giác bình yên kỳ lạ bỗng tràn ngập tâm trí mình. Và mình chẳng phải trả bất cứ thứ gì để có được sự bình yên và cảm giác hạnh phúc ấy.

Một trong những sai lầm lớn nhất của con người đó là không biết trân quý giá trị của từng khoảnh khắc. Bạn có thể phung phí tài sản, tiền bạc, nhưng làm ơn, xin đừng phung phí thời gian.

Khi mình lấy chồng, bố mẹ mình nhìn mình và nói: Nhanh thật, mới ngày nào nó còn nằm trong nôi. Giờ thì đã lấy chồng rồi. Đến giờ thì mình đã có hai con. Và khi có con mình mới thấy thấm thía hết nỗi luyến tiếc trong câu nói tưởng chừng đơn giản ấy. Khi có con và nhìn con lớn, bạn mới thấy thời gian trôi nhanh đến như thế nào.

Có nhiều ông bố bà mẹ khi con cái lớn đều ước mình đã giành nhiều thời gian hơn bên con. Nhưng mình thì lại không ước thế.

Nếu thời gian có quay trở lại, mình sẽ đặt toàn bộ tâm trí của mình để chơi với con gái khi con còn bé. Vì thực tế là mình đã giành rất nhiều thời gian cho con. Hàng tuần, mình đều đưa con đi học vẽ, học nhảy, học bơi, học nhạc, rồi đi thư viện, đi công viên. Thế nhưng tâm trí mình có thực sự ở cạnh con tất cả những quãng thời gian ấy. Khi trên đường, hai mẹ con chỉ đi thật nhanh sao cho đến nơi. Đến chỗ chơi thì mình ngồi làm việc hoặc đọc sách, để mặc con chơi một mình với đống sách hoặc đồ chơi. Có những lần con hỏi: mẹ ơi mẹ chơi với con đi, thì mình chỉ nói “Con chơi đi, mẹ còn đang bận làm việc”. Mình vẫn nhớ có một lần nó nói: Con không cần mẹ mua đồ chơi, con chỉ cần mẹ chơi với con thôi. Nhưng lúc nào mình cũng nói, đợi mẹ tý, đợi mẹ tý. Và thế là con lại lầm lũi chơi một mình, và đợi.

Lúc đó mình chỉ đơn giản nghĩ rằng mình đang làm đúng. Mình phải chăm chỉ làm việc, phải tận dụng thời gian một cách hiệu quả nhất. Thế nhưng mình đâu biết rằng, cái giá mình đang phải trả là tuổi thơ của con. Mình không biết rằng cái mà mình hy sinh là những giây phút trò chuyện cùng con, chơi cùng con, cười cùng con. Để trong những hồi ức về tuổi thơ của con gái mình có hình ảnh người mẹ. Mình đã không nhận ra được những cái mà mình phải đánh đổi. Cái đứa bé lầm lũi chơi một mình giờ đã lớn. Đã có những mối quan tâm riêng. Và nó đã thôi không còn đến bên đòi mẹ chơi cùng nữa. Khi mình mon men lại gần hỏi, con có muốn mẹ chơi cùng con không. Nó nói. Ngày xưa con muốn mẹ chơi với con, lúc nào mẹ cũng nói, đợi mẹ tý, đợi mẹ tý. Giờ con quen rồi, con chỉ muốn chơi một mình thôi. Và mình nghe lòng mình quặn lại.

Tất cả mọi thứ mất đi đều có thể kiếm lại được, dù đó có là lòng tin hay danh dự. Thế nhưng chỉ có thời gian là thứ ta không bao giờ lấy lại được. Mình không ước rằng mình đã giành nhiều thời gian hơn bên con. Vì thực tế là mình đã làm điều đó. Mình đã ở bên con. Nhưng tâm trí mình thì lại không ở đó. Điều mình ước là mình đã giành toàn bộ tâm trí của mình để chơi với con, lắng nghe con nói, con cười, ngắm nhìn từng đường nét của con, và mãi ghi nhớ những đường nét ngây thơ ấy. Giá mà mình đủ chú tâm hơn thì mình đã nghe được tiếng của con: Mẹ ơi con không đợi được nữa, con phải lớn đây mẹ ah.

Mình chia sẻ câu chuyện của mình để các bạn hiểu rằng nếu các bạn không trân trọng những khoảnh khắc tưởng như bình dị bên người thân, thì cái mà bạn đánh mất không chỉ là trải nghiệm của riêng bạn. Bạn còn đang đánh cắp đi quãng thời gian quý giá của người mà bạn yêu thương. Vậy thì liệu có đáng không? Có đáng để đánh đổi khoảnh khắc chơi với con, ngồi uống trà bên bố mẹ để lấy những thứ mà bạn cho là hiệu quả, là thú vị?

Có lúc khi chat với bố mẹ, mình lại tranh thủ ngó một cái gì đấy mình đang làm dở trên máy tính. Bố mẹ thấy mình không tập trung nên hỏi con đang bận gì ah. Vì mình giật mình nhận ra bố mẹ đã gìa, và còn nghe điện thoại của mình được bao nhiêu lần nữa? Rồi sẽ đến lúc tất cả những khoảnh khắc này chỉ còn là ký ức. Sẽ đến lúc mình thèm được nghe một tiếng dặn dò con nhớ làm việc ít thôi, phải giữ gìn sức khỏe mà không còn được nghe thấy nữa. Thế là mình giật mình, và tắt máy. Để sau này, mình không còn phải ngậm ngùi nhớ lại và nói giá mà, giá mà…

 

Chia sẻ bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on facebook

Liên quan

Shopping Cart