Breath.vn

Vì sao bạn thiền thất bại?

Có một câu hỏi mà rất nhiều người hỏi mình đó là: Tại sao mình thiền không được?

Thiền không được ở đây, có nghiã là bạn liên tục bị phân tâm. Bạn phân tâm nhiều đến nỗi bạn cảm thấy bực mình vì tại sao mình ngồi xuống thiền để đầu óc thanh thản, mà lại còn suy nghĩ nhiều hơn mức bình thường. Và bạn suy nghĩ nhiều đến nỗi bạn cảm thấy mệt mỏi, cảm thấy bất lực và bạn bỏ cuộc.

Tại sao bạn lại phân tâm nhiều hơn bình thường khi thiền?

Trước hết, để giải thích tại sao lúc thiền bạn lại phân tâm nhiều hơn bình thường. Tất cả chúng ta ai cũng có rất nhiều mối quan tâm khác nhau. Bình thường bạn không nghĩ về chúng chẳng qua là bạn có quá nhiều thứ khác thu hút sự chú ý của bạn mà thôi. Thực ra chúng vẫn nằm đấy chiếm chỗ trong bộ nhớ ngắn hạn của bạn giống như chiếm dung lượng ram máy tính. Và chúng chỉ chờ đến khi nào bạn không còn gì để phân tâm nữa để trồi lên và xuất hiện trên màn hình nhận thức của bạn. Điều này thường xảy ra khi bạn nhắm mắt thiền hoặc khi bạn nằm xuống chuẩn bị đi ngủ.

Nguồn gốc của cảm giác thất bại

Có thể bạn đã nghe mình nhấn mạnh rất nhiều lần rằng phân tâm là 1 phần của thiền định. Và phân tâm không có nghĩa là bạn thiền sai, bạn thất bại. Thế nhưng tại sao bạn vẫn cứ nghĩ mình thất bại? Tại sao bạn vẫn cứ muốn bỏ cuộc?

Chúng ta thường cảm thấy thất bại và muốn bỏ cuộc khi những nỗ lực của mình không mang lại kết quả mong muốn.

Vấn đề của rất nhiều người kể cả mới tập thiền hay đã có ít nhiều kinh nghiệm đó là chúng ta thường nỗ lực không đúng cách và đặt ra mục tiêu không thực tế. Theo mình, đây là hai vấn đề cực kỳ, cực kỳ quan trọng nhưng lại ít khi được nhắc đến trong các khoá thiền căn bản. Nỗ lực không đúng cách và đặt mục tiêu không thực tế là con đường ngắn nhất dẫn đến cảm giác thất bại và bỏ cuộc, không chỉ trong thiền đâu, mà trong tất cả những gì bạn làm trong cuộc sống.

Sự nỗ lực và kỳ vọng

Thiền định là một phương pháp rèn luyện não bộ, và cũng giống bất cứ một sự rèn luyện nào, đều cần phải có sự nỗ lực và quyết tâm. Và mình biết khi tập thiền các bạn cũng mang vào đó một sự quyết tâm nhất định, không ít thì nhiều đúng không. Thế nhưng nỗ lực như thế nào và bao nhiêu là đủ thì chưa chắc bạn đã biết.

Có một thực tế, đó là đa số chúng ta thường nghĩ khi thiền thì mình phải cố gắng tập trung vào hơi thở và dập tắt mọi suy nghĩ.

Và càng quyết tâm càng tốt đúng không? Nếu thế thì bạn nhầm to rồi.

Có rất nhiều người, họ cố gắng nỗ lực tập trung vào hơi thở giống như họ đang tập trung nghắm bắn vậy. Đến nỗi họ còn không thể nào thở như bình thường được nữa.

Sự tâp trung khi thiền hoàn toàn không giống sự tập trung khi bạn giải một bài toán khó. Nếu khi thiền mà đầu óc bạn phải căng ra, và bạn còn cảm thấy mệt mỏi hơn lúc chưa thiền, thì nhiều khả năng là bạn đang cố gắng quá sức.

Hãy nhớ, chìa khoá của thiền là đạt được sự cân bằng giữa cố gắng và thư giãn. Cố gắng quá nhiều sẽ làm đầu óc bạn nhanh mệt mỏi, nhưng cố gắng quá ít thì bạn cũng không thể nào tập trung được.

Vì vậy, đừng cố gắng quá mức. Thiền định cũng giống như khi bạn cố gắng để ngủ vậy. Khi bạn mất ngủ, bạn càng cố ngủ thì lại càng khó ngủ hơn đúng không. Hãy thả lỏng và thư giãn. Tâm trí của bạn càng thư giãn bao nhiêu thì nó càng dễ trở nên tĩnh tại và tập trung bấy nhiêu.

Nếu ai đã từng thử giơ hai tay lên trời như hồi còn bé học ss đinh hay bị phạt thì sẽ biết. Ban đầu có thể không sao, nhưng dần dần các cơ bắp của bạn sẽ bắt đầu mỏi đến mức không thể chịu được nữa thì bạn chỉ muốn hạ tay xuống thôi. Thì việc bạn gồng mình lên để tập trung vào hơi thở cũng giống như thế. Đầu óc bạn sẽ luôn phải chịu một gánh nặng vô hình. Mà có thể ban đầu thì không sao, nhưng dần dần nó sẽ trở nên mệt mỏi, và việc nó buông bỏ mục tiêu tập trung để tìm đến cái gì đó hay ho hơn để suy nghĩ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vì vậy, bạn sẽ không thể chờ đợi lý trí giúp bạn duy trì sự tập trung vào hơi thở đúng không?

Thế nhưng, ngược lại, bạn cũng không thể chỉ ngồi xuống nhắm mắt mà không xác định rõ ràng mình đang phải làm gì được. Vì nếu bạn không cho tâm trí mình một cái đích thì nó sẽ giống như một con tàu chạy 1 cách vô định, không biết mình phải hướng về đâu.

Vậy câu hỏi là làm cách nào bạn tìm được điểm cân bằng giữa cố gắng và thả lỏng?

Sự cân bằng giữa cố gắng và thả lỏng

Chìa khoá của sự cân bằng chính là việc bạn đặt mục tiêu hợp lý cho bản thân.

Mình sẽ lấy một ví dụ dễ hiểu, chẳng hạn khi bạn chơi game đi. Nếu bạn chọn độ khó quá sức của mình thì bạn sẽ nhanh nản, vì ván nào bạn cũng thua. Nhưng nếu bạn chọn đọ khó quá dễ, ván nào cũng thắng thì bạn sẽ nhanh chán.

Quay trở lại ví dụ về thiền. Nếu bạn mới tập thiền và bạn quyết tâm duy trì sự tập trung vào hơi thở, cố gắng không để bị phân tâm trong suốt cả 5 hay 10 phút thì cũng giống như bạn vừa mới làm quen với một trò game mà đã chọn ngay độ khó cao nhất để chơi vậy. Nhưng nếu bạn chỉ cần đặt mục tiêu “Mình sẽ tập trung vào hơi thở trong vòng 10 nhịp thở liên tiếp” chỉ 10 nhịp thở mà thôi, thì mục tiêu đặt ra hoàn toàn nằm trong tầm với của bạn đúng không?

Nếu đó là những ngày bạn thấy mình có khả năng tập trung cao, bạn có thể nâng lên 15 nhịp thở, 20 nhịp thở.

Ngược lại, nếu đó là những ngày bạn rất dễ bị phân tâm, thì hãy giảm mục tiêu của mình xuống chỉ còn 5 nhịp, nếu thấy vẫn khó, thì 3 nhịp, thậm chí 1 nhịp thôi cũng được.

Bí quyết ở đây là bạn hãy chọn mục tiêu vượt qua khả năng hiện tại của mình 1 xíu. Khi chơi game, mức độ khó tối ưu là mức độ khiến bạn có ván thắng có ván thua. Một độ khó đòi hỏi bạn phải nỗi lực nhưng lại không làm bạn nản lòng.


Bên cạnh sự nỗ lực vừa đủ để tập trung vào hơi thở thì sự quyết tâm trong thiền còn được thể hiện ở hai khía cạnh, hay nói cách khác là hai thời điểm mấu chốt trong quá trình thiền. Thứ nhất, đó là quyết tâm buông bỏ mọi phiền lo. Và thứ hai, đó là quyết tâm quay trở về với hơi thở khi bạn bị phân tâm.

Quyết tâm buông bỏ mọi phiền lo

Khi bạn bắt đầu mỗi bài thiền, có một bước mà theo mình rất quan trọng nhưng lại thường xuyên bị bỏ qua, đó là việc bạn hạ quyết tâm buông bỏ mọi lo âu, mọi vướng bận trong cuộc sống. Buông bỏ ở đây không nên hiểu là chúng ta gạt bỏ nó đi, là coi như những mối quan tâm này không tồn tại. Buông bỏ chẳng qua là bạn tạm thời đặt chúng sang một bên trong 10 phút hay 20 phút để bạn có thể thực sự được nghỉ ngơi.

Nói thì dễ nhưng làm thì khó, đúng không? Chính vì thế mà ở đây chúng ta mới cần sự quyết tâm – quyết tâm buông bỏ. Điểm mấu chốt là bạn phải làm cho não bộ của bạn hiểu rằng, bạn không quên chúng và bạn sẽ quay trở lại, xử lý chúng, đối mặt với chúng sau khi bạn đã được hoàn toàn nghỉ ngơi, và đầu óc bạn đã trở nên sáng suốt và tỉnh táo hơn.

Suy cho cùng, não bộ hoạt động giống như cách thức bố mẹ hành động để bảo vệ chúng ta vậy. Nó liên tục lục tìm quá khứ để bạn có thể học được một điều gì đó từ bài thuyết trình ngày hôm qua. Hay nó nhắc bạn về những hậu quả trong tương lai nếu hôm nay bạn không hoàn thành bài luận để nộp cho thầy trước thứ 6.

Thế nhưng chỉ cần bạn cho não bộ của mình thấy được rằng: Ah, mình không quên đâu. Mình nhớ đấy chứ. Nhưng mình chỉ tạm thời gạt tất cả qua một bên để tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất, đó là cho đầu óc mình được nghỉ ngơi và bình ổn lại.

Và một cách đơn giản giúp phần ý thức của mình chuyền tải thông điệp buông bỏ đến phần vô thức đó là việc mình thường ghi ra giấy những việc đang làm mình bận tâm. Khi ghi ra giấy như vậy, não bộ sẽ hiểu rằng mình chắc chắn sẽ không quên và không cần thiết phải nhắc lại với mình nữa.

Khi bắt đầu mỗi buổi thiền, mình thường sẽ không bắt đầu vào quan sát hơi thở ngay, mà thường sẽ giành một vài phút để buông bỏ. Đây là giai đoạn mình báo hiệu cho não bộ của mình rằng mình đã sẵn sàng gạt mọi lo âu, căng thẳng sang một bên. Mình thường tự nhủ với bản thân rằng: Tôi buông bỏ, tôi buông bỏ. Sau đó mình sẽ thực hành một bài tập thở giúp hơi thở của mình chậm hơn và sâu hơn.

Đây là bước vô cùng quan trọng nhưng chúng ta lại thường bỏ qua. Thử tưởng tượng tâm trí của chúng ta đang hoạt động hết công suất giống như một chiếc xe đang lao trên cao tốc. Nó đang có cả nghìn thứ để quan tâm, để suy nghĩ. Nào mạng xã hội này, nào bóc phốt này, Youtube này. Và đùng một cái giữa đường có cái barrier chắn ngang. Chúng ta bắt nó dừng lại, đây hơi thở đây, quan sát đi. Thì điều tất yếu là theo quán tính nó vẫn phải lao đi vun vút.

Thế cho nên ở bất cứ đường cao tốc nào người ta cũng phải làm một đoạn đường giảm tốc, để cho xe của bạn có thể từ từ hạ tốc độ thấp dần trước khi bạn có thể nhập vào làn xe thông thường.

Thì quá trình hạ quyết tâm buông bỏ trước mỗi buổi thiền cũng giống như đoạn đường giảm tốc. cho não bộ của bạn vậy.

Trong tâm lý học, môĩ một thói quen được hình thành bởi ba yếu tố: Cue (yếu tố kích hoạt), routine (thói quen) và reward (phần thưởng). Thì cách mà mình quyết tâm và tự nhủ với bản thân: Tôi buông bỏ, tôi buông bỏ, kết hợp với một bài tập thở ngắn hoạt động giống như yếu tố kích hoạt. Lặp đi lặp lại khi bắt đầu mỗi buổi thiền và lâu dần, nó sẽ hoạt động giống như biển báo giao thông, báo cho não bộ của mình chuyển hướng đi vào làn giảm tốc.

Quyết tâm quay về với hơi thở

Khía cạnh thứ hai của sự quyết tâm thể hiện ở sự quyết tâm quay trở về với hơi thở khi bạn nhận ra mình bị phân tâm. Hay nói cách khác, đây là quyết tâm buông bỏ những suy nghĩ đang chiếm lấy tâm trí bạn.

Nếu việc quyết tâm duy trì sự tập trung vào hơi thở có thể là một trò chơi khó mà bạn có ván thắng có ván thua, thì việc sẵn sàng buông bỏ suy nghĩ và quay trở về với hơi thở là một trò chơi mà bạn sẽ không bao giờ thất bại.

Khi bạn nhận ra mình phân tâm, có thể bạn không nhất thiết phải ngay lập tức gạt bỏ mọi suy nghĩ ra khỏi đầu. Vì bạn càng cố gạt bỏ thì khả năng cao là nó sẽ còn quay lại. Bạn đã từng nghe câu chuyện nếu ai đó bảo bạn đừng nghĩ về con voi hồng thì ngay lập tức hình ảnh con voi hồng sẽ thình lình xuất hiện trong đầu bạn?

Vì vậy khi suy nghĩ hiện lên, hãy quyết tâm tách mình ra khỏi suy nghĩ, đóng vai trò của người quan sát và từ chối để mình bị cuốn vào nó. Sau đó, nhẹ nhàng nhưng kiên định, kéo sự chú ý về với hơi thở của mình. Điều này có đòi hỏi sự quyết tâm không? Có, nhưng chắc chắn ai ai cũng có thể làm được. Và tự dưng bạn sẽ cảm thấy mọi thứ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Và thực tế thì bạn cũng chỉ cần có thế là đủ.

Vì sao lại cần quyết tâm?

Có thể nhiều người sẽ nói rằng, tôi vẫn có thể tập trung vào hơi thở mà không nhất thiết phải có những sự quyết tâm mà bạn nói đến ở trên.

Có thể điều bạn nói là đúng. Nhưng có một thực tế như thế này, tâm trí của chúng ta cũng giống như mặt biển vậy. Có những ngày biển rất êm đềm, nhưng sẽ có những ngày biển dậy sóng. Cuộc sống có nốt thăng rồi cũng sẽ có nốt trầm. Ví dụ sẽ có những lúc bạn cảm thấy chán cái công việc bạn đang làm, bạn gặp thất bại trong kinh doanh, người mà bạn yêu thương không còn yêu bạn nữa, v.v.. Tất cả những cái đó, nó sẽ khiến tâm trí của bạn bị khuấy đảo. Và khi bạn ngồi xuống nhắm mắt là hàng trăm hằng nghìn suy nghĩ sẽ ngay lập tức ùa về. Hơn nữa, lúc này bạn không phải chỉ đối mặt với những suy nghĩ thoáng qua nữa mà là những suy nghĩ dai dẳng, đeo bám bạn.

Đây chính là những thời điểm mà nhiều người trong chúng ta dễ bỏ cuộc nhất, dễ cho rằng mình thiền thất bại nhất. Và đây cũng chính là lúc sự nỗ lực đóng vai trò quan trọng nhất quyết định bạn có bỏ cuộc hay không. Như mình vừa nói ở trên, chỉ nỗ lực thôi thì không đủ, mà bạn còn cần phải nỗ lực đúng cách. Và nỗ lực đúng cách cũng là 1 kỹ năng, 1 nghệ thuật cần phải học và rèn luyện.

Vậy tại sao, khi cuộc sống còn đang dễ dàng, và tâm trí bạn còn đang tĩnh lặng, bạn không rèn luyện cho mình thói quen buông bỏ, thói quen đặt ra mục tiêu khôn ngoan, và thói quen quay trở về với hơi thở khi bạn phân tâm.

Mình hy vọng bạn có thể áp dụng những kiến thức của tập này vào những bài thiền tới đây của bạn. Để sự nỗ lực trở thành công cụ, thành vũ khí của bạn thay vì thành trở ngại khiến bạn bỏ cuộc. Chúc các bạn thành công.

 

Chia sẻ bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on facebook

Liên quan

Shopping Cart