Breath.vn

Cạnh tranh với máy tính, đào thải và thiền

Khi mình bắt đầu làm Podcast và Youtube về thiền, hầu như tất cả người thân và bạn bè của mình đều vô cùng ngạc nhiên. Vì mình vốn là một đứa rất láu táu, nói và làm cái gì cũng nhanh. Và chẳng ai hình dung được có những lúc mình cũng chậm lại, cũng có những phút rất “đằm”.

Khi mình vẫn còn đang làm nghiên cứu sinh, mình thực sự thấy hoang mang vì mình luôn nghĩ sau này mình sẽ phải làm một cái gì đó. Nhưng mình không thể nghĩ ra được là mình phải làm gì. Thì bây giờ đang là thời đại AI, người người học AI, nhà nhà học AI. Lúc đó mình cũng có nhiều bạn bè sau khi tốt nghiệp cũng đã chuyển ngành. Và mình cũng nhận được không ít lời khuyên như: “Em học machine learning đi, cái A, cái B nó cũng làm về cái đấy, giờ ngon rồi”. “Trang học AI đi, t cũng bắt đầu học nè, nghề này giờ ai cũng cần”. Lúc đấy mình cũng chưa biết làm gì, nhưng mà mình nghĩ, đây không phải là con đường mình sẽ theo đuổi.

Và trong 1 lần tình cờ nghe Tim Ferris Show, mình bắt gặp trích đoạn cuốn Tribe of Mentors, cuốn sách tổng hợp lời khuyên về cuộc sống của những người xuất sắc nhất trong mọi lĩnh vực. Và mình đã tìm ra câu trả lời cho mình. Mình vẫn nhớ lúc đó đang ngồi trên xe ra biển chơi. Và câu nói của Naval Ravikant – co-founder của AngelList vang lên trong headphone.

Follow your intellectual curiosity over whatever is “hot” right now. If your curiosity ever leads you to a place where society eventually wants to go, you’ll get paid extremely well.

Mình xin phép được dịch lại theo những gì mình đọc trong quyển The Almanack of Naval Ravikant thì ý của ông là như thế này:

“Hãy theo đuổi điều làm bạn thực sự quan tâm và tò mò thay vì những gì hiện giờ đang được coi là hot. Nếu sự theo đuổi nghiêm túc có thể giúp bạn tạo ra những thứ mà xã hội đang cần nhưng chưa biết cách tạo ra, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.”

Bạn biết không, đôi khi trực giác mách bảo bạn cái gì nên, cái gì không nên. Và một cuốn sách hay là cuốn sách giúp bạn cắt nghĩa những thứ mơ hồ đó thành lời, để bạn tin chắc rằng những gì mình đang làm hay không làm là đúng. Và hay hơn nữa khi cuốn sách đó đến với bạn đúng thời điểm.

Còn câu hỏi tại sao mình lại chọn thiền? Có nhiều yếu tố và thực ra thiền chỉ là một trong số những thứ mà hiện giờ mình vẫn “curious intellectually” thôi. Ai biết trong tương lai mình có đam mê với những thứ đang “hot right now” không. Nhưng để mình trích 1 đoạn cũng trong quyển Tribe of Mentors. Đây là câu trả lời của Yuval Noah Harari – tác giả cuốn Sapiens nổi tiếng.

Khi được hỏi: “What advice would you give to a smart, driven college student about to enter the “real world”? What advice should they ignore?”

“Đâu là lời khuyên mà ông giành cho một sinh viên thông minh và có chí hướng, đang chuẩn bị bước vào thế giới thực?

Ông đã trả lời:

“Lời khuyên của tôi là hãy tập trung xây dựng sự kiên cường và trí tuệ cảm xúc.

Vấn đề là đó là những thứ bạn không thể học chỉ bằng cách đọc sách hay nghe giảng…

Bạn đừng quá tin vào công nghệ. Phải bắt công nghệ phục vụ bạn, thay vì bạn phục vụ nó. Nếu bạn không cẩn thận, công nghệ sẽ điều khiển mục đích sống của bạn sẽ biến bạn thành nô lệ cho nó.

Vì vậy, bạn không còn cách nào khác là phải hiểu bản thân mình hơn. Hiểu được bạn là ai và bạn muốn điều gì trong cuộc sống. Tất nhiên, đây là lời khuyên xưa như diễm: Hãy hiểu bản thân mình. Nhưng lời khuyên này chưa bao giờ quan trọng hơn thế trong thế kỷ 21. Bởi vì bây giờ bạn đã có đối thủ. Google, Facebook, Amazon, chính phủ – tất cả đều dựa vào big data và Machine learning để hiểu bạn. Càng ngày càng hiểu hơn. Chúng ta không còn sống trong thời đại hacking máy tính nữa. Chúng ta đang sống trong thời đại Hacking con người. Một khi các doanh nghiệp và chính phủ hiểu bạn còn rõ hơn bạn hiểu mình, họ sẽ điều khiển và chi phối bạn và chính bạn thậm chí còn không nhận ra điều đó. Vì thế, nếu bạn không muốn bị out ra khỏi trò chơi, bạn bắt buộc phải nhanh hơn Google. Chúc bạn may mắn”

Thật không hổ danh là lời khuyên của sử gia viết hai best sellers về cả quá khứ và tương lai đúng không?

Mỗi khi bạn click vào một đường link nào đó, mỗi một từ khoá mà bạn tìm kiếm đều trở thành dữ liệu giúp Google, Facebook hiểu được thói quen, sở thích, mong muốn, và hành vi của bạn. Bạn chỉ cần search về Iphone một cái thôi, là ngay hôm sau, bạn click vào hầu như bất cứ trang web nào là quảng cáo Iphone sẽ hiện lên ngay bên cạnh. Thậm chí bạn mở mail ra là đã thấy mấy cái mail giảm giá Iphone trong hộp thư của mình. Nó giống như bạn bị đặt máy theo dõi ngay trong căn nhà của bạn vậy. Và trong khi các ông lớn công nghệ càng ngày càng hiểu bạn hơn, thì bạn thử nghĩ xem bạn có thực sự hiểu bản thân mình. Nhỏ nhất thì có khi nào bạn nghĩ nát óc mà không biết mình đang muốn ăn gì cho bữa nay, mặc gì cho ngày hôm nay. Và lớn hơn thì có lúc nào bạn cảm thấy mất phương hướng, mất mục đích sống vì không biết làm sẽ làm gì với cuộc đời mình. Và có buồn không khi máy tính hiểu bạn hơn chính bạn. Và bạn để cho máy tính điều khiển và chi phối chỉ vì bạn không hiểu được mình muốn gì cần gì nghĩ gì.

Và đây cũng chính là nền tảng, là nguyên nhân khiến mình quyết định sẽ tập trung tạo ra nội dung về thiền. Vì còn có cái gì có thể khiến mình hiểu bản thân hơn thiền? Cái gì có thể rèn luyện sự kiên cường để giúp chúng ta đứng vững trước tác nhân gây stress như thiền? Cái gì có thể giúp nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc hơn thiền được nữa?

Và cũng thật tình cờ, người đầu tiên khiến mình học thiền không ai khác cũng chính là Yuval Noah Harari.

Trước đây, mình biết đến thiền khi một người bạn của mình bị mất ngủ lâu năm và quyết định đi học một khoá thiền 1 tuần ở Làng Mai – là ngôi làng của thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Pháp. Sau khi về anh đã ngủ ngon hơn và còn bảo có cần anh dạy lại cho. Lúc đó, mình vẫn nhăn răng cười vô cùng hờ hững. Cho đến một ngày mình nghe bài phỏng vấn Yuval Noah Harari trên Tim Ferriss show (vâng lại Tim Ferriss). Ông nói về thiền như điều kỳ diều làm nên những thành công của ông. Trong suốt quãng thời gian làm tiến sĩ, có một người bạn năm nào cũng rủ ông đi học thiền, nhưng ông không đi.

Cuối cùng, rủ lắm quá ông cũng quyết định thử một lần xem sao. Và chỉ ngay buổi học đầu tiên, ông đã thực sự bị sốc. Khi người thầy giáo yêu cầu một việc tưởng chừng vô cùng đơn giản “Hãy tập trung vào hơi thở của mình”. Và Yuval đã rất sốc khi nhận ra rằng mình không thể nào tập trung vào hơi thở quá 30s. Trước giờ, ông vẫn coi mình là một người thông minh, ông làm tiến sĩ tại Oxford. Thế nhưng ngay tại thời điểm đó, ông nhận ra rằng, nếu mình không thể giữ sự tập trung vào hơi thở quá 1 phút thì tức là ông hoàn toàn không thể điều khiển được tâm trí mình.

Sau trải nghiệm đó, ông bắt tay vào học thiền một cách nghiêm túc. Mỗi ngày ông đều thiền 1-2 tiếng. Và hàng năm vẫn tham dự các khoá thiền dài ngày. Và mình nhớ nhất 1 câu ông nói: Nếu không có thiền thì sẽ không có Sapiens, không có Homo Deus, những tác phẩm kinh điển ông để lại cho đời.

Trước đây, mình có một lầm tưởng và mình chắc chắn rất nhiều bạn cũng có lầm tưởng này giống mình. Chỉ những người đang có vấn đề thì mới đi học thiền. Ví dụ như anh bạn mình mất ngủ này. Hoặc chỉ những người đang căng thẳng, lo âu, thất tình mới tìm đến thiền như một biện pháp chữa lành thôi. Và chính điều này khiến đa số chúng ta nhe răng ra cười với thiền như cái cách mình cười với anh bạn mình ở trên ấy. Vì bình thường chẳng ai muốn nghĩ là mình đang có vấn đề cả, nhất là vấn đề về tâm lý thì lại càng không.

Nhưng thực ra đó chỉ là một phần của câu chuyện thôi.

Mình có sở thích nghe phỏng vấn những người thành công trên Podcast, và mình nhận ra một điều đó là 80% những người thành công mà mình biết, họ thiền mỗi ngày. Họ thiền không phải do họ đang gặp vấn đề hay cần chữa lành gì cả. Họ thiền để họ hiểu bản thân mình hơn, để đầu óc sáng tạo hơn, ra quyết định sáng suốt hơn, để họ có thể làm những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, để họ có thể đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống một cách kiên cường, và tỉnh táo hơn.

Rất tiếc là nhiều người trong chúng ta không hiểu được điều đó. Cũng giống như nhiều người không hiểu tại sao tự dưng mình lại đi dạy thiền.

Một trong những điều mình muốn làm khi tạo ra Breath.vn là giúp đưa thiền đến gần hơn với giới trẻ – những người đang trong cuộc cạnh tranh trực tiếp với AI, với Blockchain, những người đang bị chi phối bởi những thuật toán, những dòng codes mà không hề hay biết.

Hãy nhớ: Nếu không muốn bị đào thải, bị out ra khỏi trò chơi, hãy hiểu bản thân mình đang tìm kiếm gì nhiều hơn Google, hãy biết mình muốn gì hơn Youtube, biết mình cần gì hơn Amazon và hãy hiểu mình đang nghĩ gì nhiều hơn Facebook.

Thiền có thể không phải là cách duy nhất nhưng là cách tốt nhất mình biết giúp con người hiểu và khám phá ra những khía cạnh sâu sắc nhất của bản thân mình và của cuộc sống. Những người làm chủ được suy nghĩ, được tâm trí của mình chính là những người làm chủ ngày mai.

Cảm ơn bạn đã theo dõi và ủng hộ Breath. Nếu bạn thích hãy nhấn like và đăng ký theo dõi để nghe mình chia sẻ trong những tập tiếp theo nhé.

Chia sẻ bài viết

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Share on email
Share on facebook

Liên quan

Shopping Cart